Tin tức
Cảnh báo mưa dông cực ngắn giúp hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra
Các cảnh báo mưa dông sớm – dự báo cực ngắn Nowcast được phát ra trước 30 phút đến 3 tiếng của WeatherPlus sẽ mang lại lợi ích tức thì cho công tác phòng/tránh cấp tốc, giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất và đời sống. Thông tin chi tiết về cường độ mưa, thời điểm xuất hiện mưa tại các bản tin này có độ tin cậy, chính xác cao – điều mà các bản tin với thời hạn xa không chỉ ra được cụ thể.
Gần đây, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn 2-3 giờ gây ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị. Đặc biệt như tại Hà Nội, nhiều tuyến phố nội đô đã bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc di chuyển các phương tiện giao thông và sinh hoạt của người dân.
BTV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Lê Thị Hải Yến, trưởng phòng Dự báo tác động của Công ty Cổ phần Giải pháp Thời tiết WeatherPlus để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chị nhận xét như thế nào về những đợt mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn gần đây, ví dụ như trận mưa lớn vào chiều ngày 29/5 và tối ngày 13/6 tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc?
Đây là những cơn mưa dông nhiệt xuất hiện trong thời gian ngắn 2-3 giờ nhưng cường độ mưa rất lớn, vượt quá khả năng thiết kế của hệ thống thoát nước thành phố Hà Nội khiến ngập lụt xảy ra trên diện rộng. Mưa lớn cũng xảy ra trùng với thời điểm tan tầm khiến giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều ô tô, xe máy ngập trong biển nước.
Có nơi đã xảy ra mưa lớn kỷ lục như ở Cầu Giấy (Hà Nội). 173mm và 154mm là lượng mưa ghi nhận được tại đây vào chiều ngày 29/5 và tối ngày 13/6. Riêng trận mưa kỷ lục chiều 29/5, lượng mưa đạt 173mm chỉ trong 2 giờ được cho là 100 năm mới xuất hiện một lần và chưa từng ghi nhận trong lịch sử quan trắc. Khu vực Tây Hồ có lượng mưa đạt 150mm cũng trong vòng 2 giờ (ngày 29/5), tương ứng với chu kỳ khoảng 50 năm xuất hiện một lần.
Hầu hết các đợt mưa đều xảy ra do hoạt động của dải mây dông hình thành nhanh trên khu vực Bắc Bộ mà theo thuật ngữ chuyên môn chúng tôi gọi là rãnh thấp đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao. Hình thế này xuất hiện lặp lại nhiều lần từ cuối tháng 5 đến nay khiến cho mưa lớn xảy ra liên tiếp thành nhiều đợt.
Mưa dông nhiệt – thường xuất hiện vào buổi chiều tối trong mùa hè, xảy ra trong thời gian ngắn nhưng cường độ mưa rất lớn. Chị có thể giải thích rõ hơn về cụm từ này?
Mưa dông nhiệt thường xuất hiện vào buổi chiều tối trong mùa hè, sau một ngày nắng nóng gay gắt. Ở nước ta, dông nhiệt thường xuất hiện từ tháng 4-10 hàng năm.
Dông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, xuất hiện thời gian ngắn nhưng thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá hay vòi rồng. Hình thái thời tiết như vậy rất nguy hiểm, đặc biệt là cho những người đang ở ngoài đường trong thời gian này.
Những đợt mưa lớn và mưa dông nhiệt xảy ra trong thời gian ngắn như vậy có thể dự báo trước được không?
Những đợt mưa lớn như vậy chúng tôi có thể dự báo được xu thế trước 10-14 ngày, sau đó thông tin được cập nhật lại trong các bản tin dự báo 24 giờ được phát hành trên website weatherplus.vn và các bản tin dự báo thời tiết SMS qua hệ thống nhà mạng vào chiều ngày hôm trước. Tuy nhiên, bản tin dự báo 24 giờ có hạn chế là không chỉ ra được chính xác trận mưa lớn sẽ xảy ra vào thời điểm nào trong ngày và mưa xảy ra với cường độ như thế nào.
Những thông tin như vậy chỉ được cảnh báo trước 30 phút đến 3 giờ thông qua hệ thống cảnh báo mưa dông sớm được gọi là Nowcast – dự báo cực ngắn. Đây là công nghệ dự báo tiên tiến với sản phẩm đầu ra là dự báo mưa dông, cảnh báo sét. Thông tin được cập nhật 10 phút/lần.
Hệ thống này hoạt động và cho kết quả dựa vào sự hình thành, phát triển và dịch chuyển của các ổ mây dông thông qua ảnh mây vệ tinh và mạng lưới radar hiện đại của Việt Nam bao phủ toàn quốc, từ đó đưa ra dự báo khả năng xảy ra mưa dông trong thời gian ngắn. Đây là dự báo có độ chính xác cao nhất mà ngành khí tượng hiện nay có thể làm được khi thực hiện dự báo thời tiết tại một địa điểm nhỏ.
Việc dự báo trước được những cơn mưa như vậy mang lại những lợi ích gì cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp?
Việc nắm bắt được thông tin dự báo về xu thế xuất hiện của đợt mưa lớn diện rộng cho toàn miền sớm trước 1-2 tuần sẽ giúp cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp lên kế hoạch cho công việc trong tuần, từ đó có phương án bảo vệ tài sản, con người, giảm thiểu rủi ro thiệt hại trong sản xuất và đời sống trong tình huống xảy ra mưa lớn. Hơn nữa, thông tin dự báo tiếp tục được cập nhật lại trước 24-48h giúp nâng cao mức độ chính xác và tin cậy cho các bản tin dự báo.
Đặc biệt, các cảnh báo mưa dông sớm – dự báo cực ngắn Nowcast được phát ra trước 30 phút đến 3 tiếng của WeatherPlus sẽ mang lại lợi ích tức thì cho công tác phòng/tránh cấp tốc. Thông tin chi tiết về cường độ mưa, thời điểm xuất hiện mưa tại các bản tin này có độ tin cậy, chính xác cao – điều mà các bản tin với thời hạn xa không chỉ ra được cụ thể.
Theo chị, từ nay đến hết tháng 6/2022, Hà Nội còn khoảng bao nhiêu trận mưa lớn có khả năng gây ngập lụt đô thị?
Từ nay đến hết tháng 6/2022, dải mây dông gây thời tiết xấu được nhắc đến ở trên sẽ hoạt động yếu dần. Thay vào đó là các đợt nắng nóng xuất hiện và kéo dài trong nửa cuối tháng 6.
Mưa dông nhiệt vẫn có khả năng xuất hiện vào buổi chiều và tối trong những ngày này, tuy nhiên cường độ mưa xảy ra không mạnh như những đợt mưa lớn vừa rồi. Do đó tình trạng ngập lụt đô thị tại Hà Nội nếu có diễn ra thì cũng không quá nghiêm trọng.
Người dân cần làm gì để hạn chế những thiệt hại do những cơn mưa lớn gây ra?
Hiện nay đã vào mùa mưa bão của năm 2022. Mỗi cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức, doanh nghiệp nên theo dõi, cập nhật liên tục các thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất thường để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Khi nhận được thông tin dự báo về một đợt mưa lớn trước 1 đến 7 ngày, người dân có thể sắp xếp công việc sao cho không trùng với ngày xảy ra mưa lớn. Trong trường hợp công việc đã được lên kế hoạch từ trước đó nhiều tháng và không thể thay đổi được lịch tổ chức thì cần có các phương án sẵn sàng ứng phó như căng bạt che mưa, kê đồ đạc lên giá kệ, chuẩn bị sẵn máy bơm thoát nước…
Hơn nữa, sau khi nhận được thông tin dự báo trước từ 1 đến 7 ngày, người dân vẫn cần tiếp tục theo dõi thông tin thời tiết để cập nhật các diễn biến bất thường do thiên tai gây ra. Đặc biệt là cập nhật các cảnh báo sớm – dự báo cực ngắn trước 1-3 giờ để có những ứng phó sớm nhất và nhanh nhất, như di chuyển người và tài sản ra khỏi nơi dễ xảy ra ngập úng, ngập sâu. Tại các khu vực vùng núi cao cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Chị có thể cho độc giả biết thêm một số thông tin về tình hình mưa bão trong năm 2022 để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó với thiên tai?
Tương tự như thông tin từ các Viện nghiên cứu và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chúng tôi nhận định từ nay đến cuối năm 2022, tình hình mưa bão trên cả nước sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và có nhiều bất thường hơn so với năm 2021. Dự kiến có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó cần đề phòng nguy cơ bão lũ xảy ra dồn dập với diễn biến khó lường vào thời điểm cuối năm.
Trong các tháng 7-8/2022, lượng mưa ở Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 9 đến tháng 11/2022, mưa có xu hướng gia tăng, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác kèm theo như dông, lốc, mưa đá xảy ra vào các tháng 10 và tháng 11/2022.
Lưu ý, các hộ nông dân và trang trại nuôi trồng cần đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát khi thời tiết mưa nhiều. Ngành năng lượng tái tạo như khai thác than, khoáng sản cần lên phương án để chủ động phòng tránh tình trạng sạt lở đất, lũ quét nếu mưa lớn kéo dài. Các ngành năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió, thủy điện… cũng nên có kế hoạch sản xuất, khai thác phù hợp khi các tháng hè năm nay mưa xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm.
Là doanh nghiệp tiên phong hoạt động trong lĩnh vực giải pháp thời tiết dựa trên ứng dụng công nghệ thông minh & hiện đại, WeatherPlus cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được cấp phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam.
WeatherPlus đã và đang khai thác dữ liệu từ trên 2000 trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên toàn quốc. Đồng thời hợp tác với các đối tác để thu thập các số liệu khác từ các trạm quan trắc mặt đất, trên không, trên sông, trên biển để tạo thành một cơ sở dữ liệu quan trắc đầy đủ và được cập nhật liên tục trên toàn quốc.
Weatherplus cung cấp các dịch vụ – giải pháp thời tiết như sản phẩm dự báo cực ngắn Nowcast, sản phẩm dự báo 72h, dự báo thời tiết 14 ngày… có giá trị thực sự cho doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới các ngành kinh tế và đời sống của người dân Việt Nam.
Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!